Thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần thêm khoảng 18.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng rất lớn, bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc làm lương cao, ổn định tại các doanh nghiệp Logistics trong và ngoài nước ngay sau khi vừa ra trường.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là gì?
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là ngành nghiên cứu, phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể là chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, kiểm soát nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ.Logistics là một bộ phận của chu trình chuỗi cung ứng, bao gồm xây dựng kế hoạch, thực hiện và kiểm soát hàng hóa, dịch vụ, thông tin trong lưu trữ và lưu chuyển hai chiều giữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùng đạt hiệu quả cao, lợi ích cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng học những gì?
Theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên được trang bị kiến thức về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển, và đường hàng không; kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức. Đồng thời, sinh viên còn được trang bị kỹ năng phân luồng khách hàng, xây dựng kế hoạch giao nhận từ điểm khởi đầu tới điểm tiêu dùng cuối cùng một cách hiệu quả thông qua thực hành nghiệp vụ giao nhận và vận tải đa phương thức.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị “hành trang” kỹ năng chuyên môn quan trọng như: kỹ năng phân luồng khách hàng, kỹ năng giao nhận và vận tải đa phương thức, kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin… và các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm…
Đồng thời, sinh viên được rèn luyện thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ các quy định, luật trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Logistics tạo ra sự hữu dụng về thời gian và địa điểm cho các hoạt động của doanh nghiệp (Ảnh: Internet)
Học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng ra làm gì?
Xét trên góc độ thị trường, Logistics là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, hoạt động Logistics giúp hàng hóa đến được tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Logistics còn là lĩnh vực khá mới mẻ và phát triển một cách tự phát với hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, Việt Nam thiếu nhiều đội ngũ nhân lực chất lượng cao về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra với các bạn sinh viên.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có thể làm việc tại các vị trí:
– Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Giảng viên, nghiên cứu viên về lĩnh vực logistics tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, viện, trung tâm nghiên cứu.
– Nhân viên quản trị kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng trong các công ty dịch vụ logistics.
– Chuyên viên điều phối dịch vụ logistics, điều phối đơn hàng, phương tiện vận chuyển, quản lý kho bãi, quản lý vận chuyển, giám sát đối tác cung cấp dịch vụ logistics trong các công ty sản xuất, kinh doanh.
– Khởi nghiệp sáng tạo và làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
“Trót yêu” Logistics thì học ở đâu?
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là trường Đại học Nông nghiệp I) được thành lập ngày 12 tháng 10 năm 1956, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, hàng đầu của Việt Nam. Học viện có gần 1400 cán bộ, viên chức, hơn 80% giảng viên của Học viện được đào tạo từ các trường đại học của các nước có nền khoa học tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Bỉ, Hà Lan…
Một tiết học của sinh viên Học viện tại phòng máy
Một trong những giảng đường của Học viện – Giảng đường B
Theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được học tập trong một ngôi trường có cơ sở vật chất hiện đại với hệ thống phòng học thông minh, phòng máy tính, thư viện…hiện đại. Bên cạnh đó, sinh viên được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng…
Sinh viên Học viện đọc sách trong thư viện
Hàng năm, Học viện tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp /tổ chức, giải quyết việc làm cho 4.000 đến 6.000 người. Đặc biệt, trong quá trình học tập tại Học viện, sinh viên có cơ hội nhận được các suất học bổng tài năng, học bổng vượt khó với tổng giá trị lên đến 30 tỷ/1 năm và hàng nghìn cơ hội giao lưu sinh viên quốc tế.
Học viện ký hợp tác với trên 100 doanh nghiệp để cấp học bổng cho sinh viên, hướng dẫn sinh viên thực tập và giải quyết việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp
Sinh viên theo học tại Học viện có cơ hội tìm việc làm thêm tại các Trung tâm thương mại gần trường như: Aeon Long Biên, BigC, Mipec…và các khu công nghiệp, doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, sinh viên có thể làm việc và nghiên cứu với giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm của Học viện. Những việc làm thêm này giúp sinh viên có thêm thu nhập và trải nghiệm, rèn luyện nghề nghiệp để xây dựng hành trang cho tương lai.
Nếu bạn yêu thích ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hãy nhanh tay đăng ký:
Mã trường | Mã nhóm ngành | Tổ hợp tuyển sinh | Phương thức xét tuyển |
HVN | HVN07 | A00: Toán, Vật lí, Hóa học A09: Toán, Địa lí, GDCD C20: Ngữ Văn, Địa lí, GDCD D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh | – Tuyển thẳng – Xét học bạ – Xét tuyển kết hợp – Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 |