Thịt gà giàu dinh dưỡng là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng, đáp ứng được thị yếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, thịt của các dòng gà bản địa có hàm lượng chất béo và cholesterol thấp, thịt và trứng được coi là nguồn giàu protein, sắt. Ở Việt Nam có Gà Ác và gà H’Mông là hai giống gà đen bản địa, được nuôi lâu đời ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ (gà Ác) và vùng Tây Bắc Việt Nam – dân tộc H’Mông (gà H’Mông). Hai giống gà này không những cho thịt có vị ngọt đậm, da dày giòn, thịt săn chắc, thơm, ít mỡ, trứng có tỉ lệ lòng đỏ cao, thơm ngon… mà còn là vị thuốc bồi dưỡng sức khỏe bằng cách hầm với thuốc bắc, nấm linh chi, nhân sâm, hấp ngải cứu… cho người suy nhược cơ thể, sản phụ mới sinh, người mới ốm dậy, người già yếu.. Hiện nay, nhu cầu các món ăn từ gà Ác, gà H’Mông bồi bổ cơ thể đang có xu hướng tăng mạnh ở các thành phố lớn và những vùng lân cận. Mặc dù năng suất cho thịt của giống gà này thấp hơn so với những giống gà khác nhưng chất lượng và giá thành sản phẩm cao mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho các hộ chăn nuôi.
Gần đây xuất hiện giống gà Hắc Phong là giống gà quý xuất xứ từ Trung Quốc. Giống gà này được nuôi nhiều ở tỉnh Quảng Ninh, năm 2006 Viện Chăn nuôi đưa về nuôi tại Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên để bảo tồn nguồn gen. Giống gà Hắc Phong có đặc điểm giống gà Ác và gà H’Mông là da đen, thịt đen, xương đen có giá trị dinh dưỡng cao đang được nhiều người chăn nuôi và thị trường quan tâm. Theo đánh giá ban đầu, gà Hắc Phong có khả năng chống chịu bệnh tốt, dễ thích nghi nên phù hợp với nhiều mô hình chăn nuôi và các vị trí địa lý với các vùng khí hậu khác nhau. Tuy nhiên đến nay, chưa có nhiều số liệu khoa học công bố về đặc điểm ngoại hình cũng như khả năng sản xuất của giống gà này. Để cung cấp thêm dữ liệu khoa học phục vụ cho công việc chọn lọc, nhân giống cũng như phát triển giống gà này nhón nghiên cứu thuộc khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu với mục đích đánh giá đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh trưởng của gà Hắc Phong.
Hình 1. Gà trống và gà mái Hắc Phong 20 tuần tuổi
Đánh giá đặc điểm ngoại hình của gà Hắc Phong cho thấy điểm đặc trưng là 100% gà mái đều có chùm lông xù tròn như quả bông màu đen trên đầu (Hình 1); gà trống có 18,18% con chân 4 ngón và 81,82% con có 5 ngón chân với 63,27% con có hàng lông đen ở ngón ngoài cùng; 34,04% gà mái có 4 ngón và 65,96% có 5 ngón với 38,29% có hàng lông đen (Hình 3). Gà Hắc Phong trống và mái đều có bộ lông xước màu đen đồng nhất, mỏ đen, chân 6 ngón và có một hàng lông mọc ở ngón ngoài cùng. Như vậy, gà Hắc Phong trưởng thành trong nghiên cứu có nhiều đặc điểm giống với gà H’Mông và gà Ác nhất là thịt, da và xương đều có màu đen và đa số có 5 ngón chân giống gà Ác.
Hình 2. Mào gà trống Hắc Phong
Hình 3. Chân gà Hắc Phong
Qua nghiên cứu cho thấy, gà Hắc Phong có thân hình nhỏ; gà trưởng thành (20 tuần tuổi) có bộ lông toàn thân màu đen, xước; da, thịt, xương đều có màu đen; đa số gà có mào nụ màu đen tím; chân 5 ngón; 100% gà mái có chỏm lông đầu bông xù. Gà Hắc Phong có tỉ lệ nuôi sống đến tuần 20 tương đối cao (96%). Kích thước dài thân của gà trống giai đoạn 8, 12 và 16 tuần tuổi lần lượt là 13,00cm; 16,30cm; 18,14cm và dài hơn so với ở gà mái là 10,76cm; 15,57cm; 16,20cm (P <0,05). Khối lượng cơ thể gà trống và gà mái ở 20 tuần tuổi lần lượt đạt 1381,90g và 1150,49g. Tiêu tốn thức ăn từ giai đoạn 1 đến 20 tuổi là 4,58 kg thức ăn/kg tăng khối lượng.
Link thông tin chi tiết truy cập tại:
http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2022/06/tap-chi-so-6.2.pdf
Đào Hương – NXB Học viện