Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một trong những bệnh gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi lợn ở nước ta trong những năm vừa qua. Mặc dù đã có nhiều biện pháp đưa ra để phòng chống dịch nhưng dịch bệnh vẫn còn xảy ra, đe dọa tới tình hình chăn nuôi của nhiều trang trại ở các địa phương. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu về bệnh dịch tả lợn châu Phi là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 04/01/2023, Nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi tiếp tục tổ chức buổi seminar khoa học về chủ đề mối liên hệ giữa một số SNP với khả năng sống sót của lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và một số công nghệ xác định sớm giới tính phôi gà. Tham dự buổi seminar có sự tham gia của các Thầy Cô trong nhóm nghiên cứu mạnh và sinh viên Khoa Chăn nuôi và khoa Thú y.
Mở đầu buổi seminar là bài trình bày của PGS.TS Đỗ Đức Lực về chủ đề: “Mối liên hệ giữa một số SNP với khả năng sống sót của lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi”. Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra ở trên lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết cao. Trong năm 2019 khi dịch bệnh nổ ra lần đầu tiên ở nước ta đã gây thiệt hại khoảng 6 triệu con, tương ứng khoảng 20% tổng đàn lợn tại thời điểm đó. Tuy nhiên, khi dịch bệnh nổ ra, vẫn có những cá thể còn sống sót. Vì vậy, nhóm tác giả đã đánh giá khả năng kháng tự nhiên đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi của một số cá thể sống sót trong ổ dịch thông qua việc khảo sát, đánh giá ở nhiều tỉnh thành khác nhau ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Kết quả đã xác định được có mối liên hệ của 2 SNP với khả năng sống sót của lợn sau khi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở các mẫu khảo sát.
Tiếp theo, PGS.TS. Bùi Hữu Đoàn trình bày bài seminar với chủ đề: “Xác định giới tính sớm của phôi gia cầm và một số tiến bộ trong ấp trứng gia cầm”. Bài seminar giới thiệu về sự cần thiết của việc phát hiện giới tính sớm của phôi gà để hạn chế việc phải loại thải gà con (thường là gà trống đối với gà đẻ trứng thương phẩm) lúc 1 ngày tuổi. Có nhiều kỹ thuật đã được đưa ra để xác định giới tính của gà con, bao gồm cả biện pháp xâm lấn và không xâm lấn. Xác định giới tính trước, trong và sau khi ấp nở. Bài trình bày cũng đưa ra biện pháp xác định giới tính không xâm lấn và tương đối chính xác thông qua công nghệ quang phổ và hình ảnh có thể phát hiện giới tính sớm của phôi gà.
Cuối buổi seminar, nhóm nghiên cứu mạnh Giống và Công nghệ chăn nuôi đã trao đổi sôi nổi và đưa ra nhiều thảo luận về khả năng áp dụng và hướng phát triển tiếp theo của các công nghệ liên quan tới bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như việc xác định giới tính sớm ở phôi gà.
Nhóm NCM Giống và Công nghệ chuôi