Ngày 22/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ THPT”.
Trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra Tọa đàm “Nhu cầu nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0”. |
Hội thảo diễn ra tại Trường THPT Việt Trì và được kết nối trực tuyến với 49 điểm cầu là các Trường THPT, với sự tham gia của hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Nông nghiệp có nhiều dư địa để khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc, ông Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, Hội thảo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT; đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.
Ông Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ phát biểu tại hội thảo. |
Trao đổi tại hội thảo, TS Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, khởi nghiệp nông nghiệp cần đến vai trò của tư duy và năng lực tự học, nghiên cứu. Lĩnh vực nông nghiệp rất gần gũi với đời sống của chúng ta.
Đây là lĩnh vực có nhiều dư địa để phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển, khởi nghiệp ở lĩnh vực này rất tốt. “Theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên sẽ được ươm mầm, trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp” – TS Nguyễn Công Tiệp nhấn mạnh.
Năm 2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển gần 6.000 chỉ tiêu thuộc 43 ngành. Học viện sử dụng 4 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét tuyển học bạ: đợt 1 từ ngày 1/3-10/5, đợt 2 từ ngày 15/5-20/6/2024.
TS Nguyễn Công Tiệp – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Tìm được đam mê và khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm thứ 3, 4 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cường – Giám đốc Công ty TNHH JCT Việt Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm là: phải có kiến thức nền căn bản về nguyên lý và nắm được kiến thức chuyên môn của ngành, để khi đối diện với việc mới, chúng ta có cách thức để thực hiện thành công.
Ngoài ra, cần chủ động tiếp cận với các công việc từ sớm để có trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Thông qua đó tìm ra điểm mạnh, yếu và đam mê của mình.
Ươm mầm khởi nghiệp
Học sinh Trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) đặt câu hỏi với các diễn giả. |
Tại hội thảo, học sinh Trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) băn khoăn trước thông tin, tỷ lệ thất bại khi khởi nghiệp khoảng 90%. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại là chưa trả lời được câu hỏi vì sao?
Theo đó, mấu chốt của vấn đề là nhiều người thiếu kiến thức về lĩnh vực mà mình khởi nghiệp. Nhiều người có ý tưởng nhưng chưa có giải pháp phù hợp, chưa xây dựng được hệ thống năng lực đồng bộ nên sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, chúng ta thiếu kỹ năng quản lý rủi ro.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Cường cho rằng, việc đầu tiên phải có kiến thức. Muốn vậy, các em phải học tập nghiêm túc, bài bản và có trải nghiệm thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm. Khi đó, các bạn có sẽ có giải pháp phù hợp để đi đến thành công khi khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Cường – Giám đốc Công ty TNHH JCT Việt Nam trao đổi tại hội thảo. |
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Công Tiệp nhìn nhận, lợi thế của các em là tuổi trẻ, nhiệt huyết. Nếu đủ đam mê, các em sẽ không sợ thất bại khi khởi nghiệp. Hiện, Học viện có nhiều hoạt động ươm mầm, trang bị kiến thức khởi nghiệp cho học sinh THPT.
Chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TS Dương Thành Huân – Phó Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, Hành trình khởi nghiệp từ THPT đã được Học viện tổ chức tại hơn 1.000 trường THPT, với hơn 200 nghìn học sinh tham gia. Đã có hơn 300 câu hỏi thảo luận gửi đến diễn đàn này.
Cuộc thi kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo cũng được Học viện tổ chức nhằm ươm mầm ước mơ khởi nghiệp cho học sinh. Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với gần 6.000 học sinh và hơn 500 trường THPT tham gia.
Đối với hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, trong giai đoạn 2014 – 2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức 9 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.400 dự án tham gia.
TS Dương Thành Huân – Phó Trưởng Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trao đổi về hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Học viện. |
Theo TS Dương Thành Huân, một trong những yếu tố tạo nên thành công phong trào khởi nghiệp của sinh viên là chất lượng đội ngũ giảng viên. Hiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có hơn 90% giảng viên được đào tạo tại nước ngoài. Năm 2023, Học viện được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chứng nhận danh hiệu “Trường học tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”
Là cơ sở đào tạo uy tín, đa ngành, đạt chuẩn đào tạo quốc tế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng và liên kết với hơn 200 doanh nghiệp trong đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ.
Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 97%. Tính đến thời điểm này, Học viện đã đào tạo gần 120 nghìn cử nhân, kỹ sư; gần 15 nghìn thạc sĩ và gần 700 tiến sĩ.
Theo https://giaoducthoidai.vn/