Ngày 22/6/2023, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng các chuyên gia tại Tổ chức Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Quốc tế của Pháp (CIRAD) tổ chức thành công hội thảo quốc tế với chủ đề “Thủy sản khu vực đô thị và ven đô: Đánh giá và phòng ngừa rủi ro các từ các nguồn ô nhiễm”. PGS. TS Trương Đình Hoài, Phó Trưởng khoa Thủy sản (VNUA) chủ trì buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo được tổ chức tại Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 22/6/2023
Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển bền vững (CIRAD), Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Viện nghiên cứu Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp (INRAE), các chuyên gia môi trường đến từ Đại Học Thủy Lợi, Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại diện Phòng Thú y thủy sản – Cục Thú y, Chi Cục thủy sản Hà Nội, đại diện một số hộ nuôi cá ở Hà Nội và vùng phụ cận, cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Thủy sản.
Hội thảo đã được nghe các bài trình bày về tình hình nuôi cá tại Hà Nội và vùng phụ cận, thuận lợi và thách thức nuôi cá lồng tại miền Bắc, tình hình dịch bệnh và quản lý sức khỏe trên cá rô phi, các kết quả khảo sát về chất lượng nước, chất gây ô nhiễm ở các sông, hồ ở Hà Nội và vùng phụ cận, và ứng dụng công nghệ DNA fragmentation để đánh giá chất lượng thịt cá. Các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong nuôi trồng thủy sản ở đô thị và ven đô để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản.
Theo TS. Gwenn Pulliat, chủ nhiệm dự án Thực phẩm Đường phố (2019-2023) tại Việt Nam cho biết, cá nuôi ở Hà Nội và vùng phụ cận có tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm, có thể ảnh hưởng đến chất lượng thịt cá được sử dụng làm thực phẩm. Trong số các chất gây ô nhiễm môi trường, nhiều chất có thể có tác dụng gây độc tế bào các loài thủy sản, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tính toàn vẹn của vật liệu di truyền của tế bào (DNA), do vậy có thể ứng dụng phân tích sự tổn hại DNA để đánh giá tác động của môi trường lên sức khỏe, chất lượng cá và môi trường sinh thái khu vực nuôi.
TS. Gwenn Pulliat giới thiệu dự án Thực phẩm Đường phố
Cũng trong buổi hội thảo, PGS.TS. Trương Đình Hoài, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về Bệnh Thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi về tình hình dịch bệnh ở động vật thủy sản. PGS.TS. Trương Đình Hoài cho biết, sản lượng cá rô phi tăng nhanh nhưng mật độ thả nuôi ngày càng cao ở các hình thức nuôi thâm canh có khả năng tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh mới nổi, nguy hiểm. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh đã và đang gây ra hiện tượng kháng thuốc, dẫn tới công tác phòng trị bệnh ở động vật thủy sản ngày càng khó khăn. Nguy cơ tồn dư, an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường ngày càng đáng lưu tâm.
Kết thúc buổi hội thảo, các chuyên gia đã có những thảo luận, trao đổi cởi mở để mở ra hướng nghiên cứu mới trong thời gian tới giúp cho việc phát triển thủy sản đô thị và ven đô tạo nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản và phát triển bền vững.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
PGS.TS. Trương Đình Hoài, Phó trưởng khoa Thủy sản, trưởng nhóm NCM Bệnh Thủy sản,
Học viện Nông nghiệp trình bày tham luận tại hội thảo
TS Đoàn Quốc Khánh trình bày chuyên đề “Ứng dụng lồng tròn trong nuôi cá rô phi ở miền Bắc Việt Nam:
Cơ hội và thách thức”
“Phát triển mô hình phân tử sinh học để tính toán độc tố cấp tính của chì đối với Moina dubia ở các hồ Hà Nội, Việt Nam”
được trình bày bởi TS. Phạm Thị Hồng, Giảng viên Đại học Thủy lợi
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên khoa Tài nguyên và Môi trường (VNUA) trình bày với chủ đề “Sử dụng chỉ số chất lượng nước
và cấu trúc quần xã để cảnh báo rủi ro sinh thái hồ Đồng Mô và Xuân Khanh”
TS. Elodie Pepey (CIRAD) báo cáo nghiên cứu kết quả phân DNA fragmentation trên cá rô phi
tại Hà Nội và vùng phụ cận
Các chuyên gia khách mời trao đổi và thảo luận tại hội thảo