Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 6 thế giới về lượng sách, mỗi năm có 108 hội sách, và họ cảm thấy ấn tượng với mô hình đường sách, phố sách của Việt Nam.
Trước ngày khai mạc Diễn đàn Xuất bản Istanbul Fellowship 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên BCH hội Xuất bản Việt Nam có cuộc gặp gỡ đại diện hội Xuất bản nước chủ nhà.
Tham gia buổi làm việc có đầy đủ lãnh đạo hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm thú vị rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ có ít nhất 2 hội xuất bản. Thứ nhất là Hội Báo chí, Xuất bản và Bản quyền (Turkish Press and Publishers Copyright & Licensing Society) do ông Mustafa Dogru làm Chủ tịch và Hội Báo chí và Xuất bản (Association of Press and Publishing) do ông Emrah Kisakurek làm chủ tịch.
Quang cảnh buổi gặp trước ngày khai mạc Diễn đàn Xuất bản Istanbul Fellowship. |
Phía lãnh đạo Hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về hoạt động xuất bản của họ. Hiện nay tại quốc gia này có hơn 2.000 nhà xuất bản đang hoạt động tích cực. Sách cho giáo dục chiếm đến 52%, 17% là sách không giả tưởng (non – fiction), 6% là sách giả tưởng (fiction).
Quốc gia này có đến 26 triệu học sinh sinh viên và nhu cầu sách cho giáo dục được coi là rất cần thiết. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 6 trên thế giới về số lượng các đầu sách mới được xuất bản hàng năm.
Một thông tin cũng rất quý giá là mỗi năm Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức 108 hội sách. Khi hỏi tại sao nhiều vậy, lãnh đạo hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quốc gia này có đến 81 tỉnh thành nên nếu mỗi tỉnh thành tổ chức 1 hội sách thì đã là con số lớn rồi. Để văn hóa đọc ở đây phát triển, lãnh đạo Hội giúp đỡ, triển khai nhiều hội sách tại tất cả các địa phương.
Riêng tại Istanbul đã có 6 hội sách mỗi năm. Với dân số 18 triệu dân và thành phố rất lớn thì cần tổ chức nhiều hội sách tại nhiều địa điểm khác nhau bởi từ chỗ nọ đến chỗ kia ngay tại Istanbul có khi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ.
Istanbul có 2 hội sách lớn hàng năm là hội sách tháng 2 đang diễn ra và hội sách tháng 11. Ông Emrah Kisakurek tâm sự rằng ông ngủ ở châu Á nhưng làm việc ở châu Âu. Bởi ngay bên này và bên kia dòng kênh là 2 lục địa khác nhau.
Điều gây ấn tượng nhất với TS Nguyễn Mạnh Hùng là tầm nhìn của hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ, họ đặt mục tiêu “trở thành hội làm hài lòng các nhu cầu và mong muốn của hội viên, bảo vệ bản quyền cho mỗi thành viên, và đóng góp hiệu quả nhất cho nhận thức về bản quyền”.
Hình ảnh tại Hội sách Quốc tế Istanbul lần thứ 36. |
8 giá trị (values) của tổ chức này cũng được nhấn mạnh. Hơn thế nữa, sứ mệnh cũng rất rõ là cung cấp cho các hội viên cơ hội thể hiện chính mình bằng các cách khác nhau, làm cho mỗi thành viên thể hiện các khả năng của họ để phụng sự Hội, và làm công tác quản lý Hội thông qua các hoạt động của 7 ban.
Để đảm bảo bản quyền cho các hội viên, Hội xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ luôn tạo một quầy riêng tại tất cả các hội sách với thông điệp lớn, nhấn mạnh không vi phạm bản quyền (No To Pirate Books) in rất to và đậm.
Rất nhiều kinh nghiệm lãnh đạo Hội được chia sẻ trong buổi gặp, TS Nguyễn Mạnh Hùng dự kiến sẽ về Việt Nam chia sẻ lại.
Hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ rất ấn tượng với các chương trình của Việt Nam mà họ đã tự tìm hiểu, tự nghiên cứu và được biết như Đường Sách, Phố Sách tại TP.HCM và Hà Nội, các chương trình như Reading Tour, Reading Books Together, các hội sách tại Hà Nội và TP.HCM và nhất là chương trình Happy Reading Home chuẩn bị được triển khai.
Trước hình ảnh và và thông tin về Việt Nam mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, TS Nguyễn Mạnh Hùng rất bất ngờ. Không chỉ tìm hiểu, họ còn đưa ra thông tin bằng tiếng Việt.
Chủ tịch Hội Báo chí, Xuất bản và Bản quyền Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Dogru cũng cho biết Istanbul Fellowship 2019 năm nay ban tổ chức nhận được nhiều nhất các hồ sơ từ 103 quốc gia trên thế giới. Tại diễn đàn xuất bản sẽ khai mạc lúc 09h30 sáng 26/ 2 này cũng sẽ có lãnh đạo 95 nhà xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ được mời tham dự. Như vậy tại phiên khai mạc sẽ có trên 300 đại biểu trên khắp thế giới có mặt.
Chủ tịch Hội Báo chí, Xuất bản và Bản quyền Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Dogru thể hiện mong muốn được đến Việt Nam và được tham gia hội sách Hà Nội.
Trước khi diễn đàn Xuất bản Istanbul Fellowship khai mạc, tối 25/2, nước chủ nhà mở tiệc chiêu đãi các khách mời, trong đó có bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair, CHLB Đức, đại diện tạp chí xuất bản tuần Publishers Weekly, Houston, Mỹ; lãnh dạo hội xuất bản Georgia, Indonesia quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm khách mời danh dự trong hội sách vào tháng 9 năm 2020, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam.
TS Nguyễn Mạnh Hùng là Ủy viên BCH Hội Xuất bản Việt Nam. |
Trước khai mạc, TS Nguyễn Mạnh Hùng đã gặp gỡ và làm việc với bà Gvantsa Jobava, Chủ tịch hội xuất bản Georgia, quốc gia đã là khách mời danh dự của hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair 2019 vừa qua. Bà cho biết rất vui nếu đến dự hội sách Hà Nội năm 2019 này.
Ngày hôm nay, 26/2 chính thức khai mạc 3 ngày Diễn đàn Xuất bản Istanbul Fellowship 2019. Nội dung chương trình bàn về ngành xuất bản thế giới của hiện tại và tương lai.
TS Nguyễn Mạnh Hùng sẽ có bài thuyết trình vào sáng 27/02 với chủ đề thị trường xuất bản trên thế giới (Publishing Market in the World).
Theo news.zing.vn