Ảnh hưởng của một số yếu tố đến khả năng sinh sắc tố carotenoid của nấm men đỏ Rhodotorula

Trong chăn nuôi gà đẻ, sắc tố carotenoid là yếu tố cần phải có trong thức ăn. Ngoài tác dụng cung cấp chất tiền vitamin A, sắc tố carotenoid còn là chất oxy hóa sinh học để bảo vệ tế bào, buồng trứng, làm tăng năng xuất và sản lượng trứng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chủ yếu trong thức ăn chăn nuôi như ngô, sắn, cám, gạo… hàm lượng carotenoid thấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, gia cầm bị thiếu sắc tố vàng nên sức đề kháng yếu, dễ sinh bệnh, giảm tỷ lệ đẻ và chất lượng trứng kém. Vì vậy, một trong những giải pháp để bù đắp sự thiếu hụt carotenoid trong thức ăn là sử dụng các chủng nấm men đỏ như Rhodotorula sp. có khả năng sản xuất carotenoid, trong đó có beta –  carotene đã được nhiều nhà khoa học quan tâm.

Gia cầm ăn khẩu phần thiếu beta –  carotene  dẫn đến màu sắc của lòng đỏ trứng
hoặc màu da nhợt nhạt (Nguồn: Sưu tầm)

Nấm nem Rhodotorula (Rh) sp. còn được gọi là nấm men sinh sắc tố carotenoid, là một trong rất ít các chi nấm men có khả năng tổng hợp tích lũy một lượng lớn các sắc tố carotenoid trong đó chủ yếu là β-carotene, torulene, torularhodin. Sinh khối nấm men Rhodotorula sp. được ghi nhận là hàm lượng axit béo không no có giá trị cao, đặc biệt là axit folic và axit linoleic chiếm chủ yếu. Bên cạnh đó, việc dùng sinh khối nấm men Rhodotorula sp. bổ sung trong thức ăn cho gia súc, gia cầm đã được báo cáo là an toàn và không độc tính. Vì vậy, việc khai thác sắc tố carotenoid có trong tế bào nấm men Rhodotorula sp. để bổ sung vào thực phẩm cho người và vật nuôi là hướng nghiên cứu đầy tiềm năng. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, việc nghiên cứu chọn lọc và xây dựng qui trình sản xuất sinh khối từ các chủng Rhodotorula sp. có khả năng sản sinh hàm lượng carotenoid lớn và có khả năng tổng hợp sinh khối cao trên môi trường rắn là cần thiết để có thể tận dụng được các nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có, rẻ tiền và cải thiện hàm lượng carotene trong trứng, nâng cao chất lượng trứng gà. Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm tác giả khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm chọn lọc các chủng nấm men Rhodotorula sp. có khả năng sinh carotenoid cao nhất và đánh giá ảnh hưởng của một số yếu tố ngoại cảnh đến sinh trưởng và sinh sắc tố carotenoid của các chủng nấm men được chọn lọc.

Nuôi cấy thu sinh khối nấm men đỏ

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm chọn lọc các chủng nấm men đỏ Rhodotorula có khả năng sinh sắc tố carotenoid và đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ, pH, nguồn C, N đến sinh trưởng và khả năng sinh sắc tố của các chủng nấm men này. Tổng số 8 chủng nấm men đỏ (SR1, SR2, SR3, SR4, SR5, SR6, SR7, SR8) được nuôi cấy trên môi trường Hansen dịch thể ở 30oC trong 72 giờ. Chủng nấm men đỏ SR6 và SR7 có hàm lượng caroteinoid cao nhất (0,76 và 0,81mg/g VCK) đã được lựa chọn để nghiên cứu mức tiếp giống, ảnh hưởng của nhiệt độ, pH và nguồn cơ chất C, N.

 Bột gạo lên men với nấm men đỏ                  Bột ngô len men và nấm men đỏ

Kết quả cho thấy, khả năng sinh trưởng và sản sinh sắc tố carotenoid đạt cao nhất ở 2 chủng nấm men đỏ được chọn lọc khi được nuôi cấy trên môi trường Hansen dịch thể, với tỷ lệ tiếp giống 2% ở nhiệt độ 30oC, pH môi trường là 5,5. Nguồn N và C thích hợp nhất được lựa chọn sử dụng cho môi trường nuôi cấy nấm men đỏ là petptone và glucose. Cơ chất giàu tinh bột được lựa chọn cho quá trình lên men rắn là bột ngô và bột gạo.

Link thông tin chi tiết:

http://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2021/10/tap-chi-so-11.7.pdf

Đào Hương – NXB Học viện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *