Ngày 27/03/2024, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã tham gia Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu và tham gia Hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng dạy học, nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở giáo dục của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ sở giáo dục nước Lào”, được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Đây là Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Thể thao Lào và Bộ Nông nghiệp và PTNT, Việt Nam nhằm mục đích tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu giữa các cơ sở giáo dục của hai nước.
Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã thay mặt cho 3 trường Đại học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT gồm: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Thủy lợi, Đại học Lâm nghiệp trình bày tham luận: Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học khối nông lâm Việt Nam và các cơ sở giáo dục của Lào.
Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, được hình thành trong lịch sử giữa hai nước với những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đã được khẳng định bởi Chủ tịch Kayson Phonvihan: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào mãi mãi bền vững” và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt – Lào hai nước chúng ta: Tình sâu hơn nước Hồng Hà – Cửu Long”. Xuất phát từ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với Khoa học công nghệ trong bối cảnh mới, GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học khối nông lâm Việt Nam và các cơ sở giáo dục của Lào.
Ba trường Đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, nông thôn cho nước bạn. Mặc dù các bên đã đạt được kết quả quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho Lào, tuy nhiên, hợp tác nghiên cứu trong những năm gần đây có phần giảm đi, trao đổi sinh viên, cán bộ chưa được tăng cường. Do đó, trong gian đoạn sắp tới, GS. TS. Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh việc cần phải “Nâng tầm quan hệ hợp tác để phát huy tiềm năng, lợi thế của hai bên”.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện trình bày tham luận tại Hội thảo
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo LHS cho nước Lào theo diện Hiệp định giữa hai Chính phủ, cho đến thời điểm hiện tại, Học viện đã tiếp nhận gần 600 LHS và đã đào tạo cho nước Lào hơn 300 LHS tốt nghiệp. Trên cơ sở tiềm năng nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tiềm năng hợp tác quốc tế, ngoài việc tiếp nhận LHS theo diện Hiệp định, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đề xuất hỗ trợ học bổng toàn phần cho một số học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Lào sang học tại Học viện, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên các trường đào tạo nông nghiệp của Lào, đào tạo khởi nghiệp cho giáo viên, sinh viên, học sinh các trường trung học phổ thông, hợp tác xây dựng các chương trình liên kết đào tạo 2+2; 3+1 và đồng cấp bằng, v.v. Trong nghiên cứu khoa học, Học viện đề xuất tăng cường nghiên cứu các giải pháp pháp triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch phát triển bền vững ở Lào, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi: lúa, ngô, nấm dược liệu, nuôi cấy mô khí canh, nuôi ong, nuôi thương phẩm các loài cá nước ngọt theo hướng an toàn sinh học, v.v.
Với tiềm năng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của Lào và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ của các Bộ ngành liên quan chắc chắn hợp tác hai bên sẽ có nhiều kết quả, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Lào.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan cùng với đại diện các cơ sở giáo dục đại học hai nước tham dự lễ ký hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Bộ GD và Thể thao Lào |
Đoàn công tác của Học viện chụp ảnh lưu niệm cùng với Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ GD và Thể thao Lào và đại diện các cơ sở giáo dục hai nước tham gia Hội thảo |