Khi nhắc đến côn trùng, quen gọi là sâu bọ, nhiều người thường không dấu được ác cảm, xem chúng như những sinh vật gớm ghiếc, chuyên làm hại và gây bao phiền toái cho con người nên cần trừ diệt không thương tiếc.
Thật sai lầm và bất công, đâu phải mọi loài côn trùng đều gây hại và đáng sợ để phải chịu chung sự đối xử tàn nhẫn như vậy. Người ta đâu có biết, côn trùng là một lớp động vật đầy kỳ thú, đã có mặt trên trái đất từ hơn 300 triệu năm trước. Cùng thoát thai từ đời sống dưới nước như nhiều nhóm sinh vật khác, nhưng nhờ có những phẩm chất đặc biệt, khả năng thích nghi đáng kinh ngạc, côn trùng đã trở thành những sinh vật lên cạn thành công nhất trong công cuộc chinh phục các lục địa. Bằng chứng là chúng vô cùng đa dạng về thành phần loài, đông đúc nhất về số lượng cư dân, có mặt và sinh sống được ở hầu khắp mọi nơi, ăn được gần như mọi thứ. Đương nhiên chúng can dự vào mọi chu trình sống trên trái đất để trở thành một bộ phận không thể thiếu và không thể tách rời đối với quá trình tiến hóa, sự tồn tại và phát triển của sinh giới, trong đó có sự sống của chúng ta. Như vậy, côn trùng không hẳn là kẻ thù mà hơn hết là người bạn hữu ích trên nhiều mặt đối với thiên nhiên và đời sống con người.
Ở Việt Nam, dù có kẻ ghét người yêu, nhưng côn trùng vẫn là những con vật rất gần gũi, quen thuộc với con người. Chúng trở thành nhân vật, hình tượng ví von khá phổ biến trong kho tàng ca dao, tục ngữ và cũng không hiếm trong thơ ca, văn học, nghệ thuật. Có thể nói những hình ảnh, ký ức về những con vật bé nhỏ, ngộ nghĩnh này là một góc của quê hương yêu dấu cũng như là một phần kỷ niệm không thể nào quên trong thời thơ ấu của nhiều người.
Với nhận thức và tình cảm như vậy, cuốn sách Côn trùng – Thế giới những điều kỳ thú không có mục đích nào khác là cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn thân thiện hơn đối với thế giới sâu bọ thông qua những khám phá thú vị về chúng. Hy vọng những phát hiện đầy kỳ thú sẽ giúp bạn đọc nhận ra rằng côn trùng là một trong những kiệt tác của tự nhiên và khi đó sẽ không ai nỡ đang tâm hủy hoại những thứ mà mình trân quý. Thiết nghĩ đó cũng là cách góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có côn trùng, chìa khóa của sự phát triển bền vững cho sự sống trên hành tinh, trong đó có đời sống của chúng ta.
Trong khi mô tả tập tính hoạt động của côn trùng, để thêm sinh động và dễ hiểu, đôi chỗ người viết dùng thể nhân cách hóa (anthropomorphise), song điều này không có nghĩa đã công nhận các hành vi ở côn trùng là hoạt động có ý thức. Tuy vậy, nếu chúng ta phủ nhận hoàn toàn các biểu hiện của cảm xúc hay năng lực trí tuệ trong hành vi của động vật, trong đó có côn trùng thì có lẽ đó là sự nhìn nhận quá vội vàng và dễ dãi. Vì thực ra chúng ta vẫn chưa hiểu được nhiều lắm về thế giới tự nhiên, về những sinh vật đã ra đời và tồn tại trước loài người hàng trăm triệu năm như côn trùng.
Giáo sư Howard Evans, một trong những nhà Côn trùng học hàng đầu của Hoa Kỳ thường tâm sự: Khi cầm bút viết về côn trùng, điều khó khăn nhất là không biết đến đâu thì nên… dừng lại, vì có quá nhiều điều để viết. Người viết cuốn sách này cũng gặp điều khó xử tương tự, vì vậy theo thời gian sẽ xin giới thiệu lần lượt thành từng tập về từng chủ đề khác nhau. Cụ thể ở Tập I này gồm những chuyện về hoạt động sinh sản ở côn trùng và những chuyện chủ yếu về Kiến.
Ngành Côn trùng học ngày nay đang không ngừng phát triển, do đó thông tin ở một vài chỗ của cuốn sách có thể chưa thật cập nhật. Vì vậy cuốn sách này chắc chưa thể thỏa mãn mọi yêu cầu của người đọc cũng như còn nhiều thiếu sót cần được bổ sung, chỉnh sửa. Tác giả rất cảm ơn và mong nhận được sự quan tâm, góp ý kiến của các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa.